Bệnh Đường Tiêu Hóa

Giun móc lây nhiễm qua những con đường nào?

Nhiễm giun móc là bệnh lây truyền qua đất, khá phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm giun khá cao và dao động tùy theo tập quán canh tác, điều kiện vệ sinh và thổ nhưỡng từng vùng.

Giun móc

Hai loại giun móc ký sinh và trưởng thành ở người là Ancylostoma duodenale và Necator americanus, đều có hình trứng, khá giống nhau cả về đặc điểm dịch tễ, bệnh học và sinh học. Giun móc sống ở tá tràng, hỗng tràng. Con cái mỗi ngày đẻ 5.000 – 20.000 trứng. Trứng theo phân người ra ngoài, nở thành ấu trùng và phát triển ở đất. Sau 5 ngày sẽ thành ấu trùng chỉ, chủ động tìm đến người theo hơi nóng, chui qua da để vào cơ thể. Nhiễm N.americanus đều theo cách này, còn A.duodenale thì có thể nhiễm qua đường miệng do ăn phải ấu trùng chỉ có trong nước hoặc rau sống. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng theo máu lên phổi, qua khí, phế quản lên hầu rối xuống dạ dày, khi đến ruột non sẽ thành giun trưởng thành. Từ khi ấu trùng xuyên qua da đến khi thành giun trưởng thành có thể đẻ trứng là 6-8 tuần.

Tình hình nhiễm giun móc ở Việt Nam:

  • Tỷ lệ nhiễm giun ở từng vùng rất khác nhau, cao nhất ở vùng ven biển (67-68%) rồi đến trung du (61-64%), vùng núi (51%), cao nguyên (47%) và đồng bằng (30-60%).
  • Cường độ nhiễm giun móc nhìn chung không cao. Các vùng được điều tra trung bình một người lớn có khoảng 112 con và trẻ em có khoảng 10 – 32 con; 50-71% nhiễm giun móc đồng thời với các loại giun khác, thường là giun đũa và giun tóc.
  • Tình trạng tái nhiễm thấp (4,4%, so với bệnh giun đũa là 68%).
  • Tỷ lệ nhiễm tăng dần theo tuổi. Lứa tuổi dưới 16 chưa có sự phân công lao động rõ rệt tỷ lệ nhiễm không khác biệt giữa nam và nữ nhưng lứa tuổi trên 16, nữ thường làm các công việc tiếp xúc nhiều với mầm bệnh như chăm bón lúa và hoa màu ở ruộng, vườn… nên tỷ lệ nhiễm cao hơn (78% so với 59%).
  • Nghề nghiệp có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm giun móc; trong cùng một điểm điều tra, nông dân nhiễm nhiều hơn ngư dân, người trồng rau nhiễm nhiều hơn người trồng lúa.

BS Phan Thị Kim (Viện Dinh Dưỡng)

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button