Vẹo cột sống và những kiến thức cần biết
Vẹo cột sống là một tật, một triệu chứng lâm sàng, không phải là một bệnh. Sự phân biệt bước đầu này rất quan trọng giúp chúng ta hiểu đúng đắn loại biến dạng này của cột sống. Vẹo cột sống nơi thanh thiếu niên có thể từ nhẹ đến nặng. Các trường hợp nặng có thể đưa đến biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng chức năng phổi, chức năng tim mạch và ảnh hưởng đến tính mạng. Vẹo cột sống là loại biến dạng khó chữa nhất trong các bệnh cột sống.
Nhìn thẳng cột sống từ sau ra trước, ta có thể quan sát các biến dạng cột sống, gọi là vẹo cột sống. Tất cả các loại vẹo cột sống đều kèm theo sự mất đối xứng của hai thân người khi chú ý đến nếp cổ, vai, đỉnh xương bả vai…
Có hai loại vẹo cột sống: Vẹo cột sống chức năng và vẹo cột sống cấu trúc.
Vẹo cột sống chức năng: Là những ca vẹo cột sống xảy ra thoáng qua, tự sửa chữa, khi nguyên nhân gây ra được điều trị thì vẹo cột sống biến mất… Các nguyên nhân thường thấy của vẹo cột sống chức năng là: Hai chân dài ngắn không đều; tư thế ngồi xấu của các cháu học sinh; co rút cơ vì đau do tổn thương thân đốt, đĩa đệm hay cơ học. Vẹo cột sống chức năng không phải là tật nguy hiểm. Khi giải quyết nguyên nhân thì vẹo cột sống sẽ khỏi.
Vẹo cột sống cấu trúc: Là vẹo cột sống có kèm theo biến dạng các đốt sống. Các biến dạng thân đốt sống gồm: nghiêng bên, hình nêm, xoay. Biến dạng này do khiếm khuyết trong sự cấu tạo cột sống trước khi sinh gây ra hoặc do bệnh lý trong thời kỳ tăng trưởng của cháu bé.
Biến dạng xoay là biến dạng khiến thân đốt sống hướng về bên lồi; từ đó sinh ra sự mất đối xứng lồng ngực của trẻ. Sự mất đối xứng thấy rõ với lõm sườn bên lõm và nhô sườn bên lồi là dấu hiệu của vẹo cột sống cấu trúc. Cho bệnh nhân đứng thẳng gối, cúi lưng, hai tay buông xuôi đều nhau, ta càng dễ thấy hơn. Đó là triệu chứng đơn giản, dễ tìm nhưng có tính quyết định. Các bà mẹ nên lưu lý nhận biết và thỉnh thoảng xem xét lưng của các cháu.
Nguyên nhân gây vẹo cột sống:
Nhiều bệnh lý khác nhau có thể làm xuất hiện vẹo cột sống. Vài bệnh lý thường thấy là: dị tật bẩm sinh cột sống lúc mới sinh: bệnh lý não, tủy; nhiễm trùng gây liệt; bệnh lý cơ… Ngoài ra còn có các bệnh lý phối hợp vẹo cột sống và các triệu chứng khác của bệnh đặc thù của bộ xương hay hệ thần kinh cơ. Những trường hợp vẹo cột sống này đặt ra vấn đề điều trị chuyên biệt theo nguyên nhân bệnh lý.
Trong nhiều trường hợp, ta không biết rõ nguyên nhân vẹo cột sống. Vẹo không rõ nguyên nhân chiếm 80% các ca vẹo cột sống. Đây là một bệnh bí ẩn, thường có tiềm căn gia đình, yếu tố di truyền.
Vẹo cột sống không rõ nguyên nhân xuất hiện trong thời kỳ tăng trưởng của cột sống. Vẹo cột sống xuất hiện càng sớm càng có nguy cơ tiến triển. Tuy nhiên, các đường cong vẹo cột sống có thể gia tăng ở tuổi trung niên do lún xẹp hay thoái hoá, đặc biệt sau mãn kinh hay sau khi sinh. Sự tăng trưởng cột sống có thể được theo dõi đều đặn bằng cách đo chiều cao trong tư thế ngồi.
Sự trầm trọng của vẹo cột sống không rõ nguyên nhân tùy thuộc vào phần lớn vào tuổi xuất hiện của sự vẹo lệch.
Có ba thể lâm sàng thường thấy:
- Thể ấu nhi: Xuất hiện trước ba tuổi.
- Thể thiếu nhi: Xuất hiện ở trẻ từ ba tuổi đến dậy thì.
- Thể thiếu niên: Thể này ít nguy hiểm sau tuổi dậy thì vì giai đoạn tăng trưởng còn lại ngắn.
Vẹo cột sống lưng thường cho di chứng và biến chứng lồng ngực, tim phổi trầm trọng nhất. Nếu thiếu điều trị thích ứng, sự phát triển liên tục đến khi trưởng thành cuối thời kỳ phát triển xương sống sẽ tạo ra những hậu quả nặng nề trên các mặt hình thái, chức năng và tâm lý người bệnh.
PTS Võ Văn Thành, Sức Khỏe & Đời Sống.