Bệnh Thường Gặp
Bệnh chàm thể tạng – Điều trị và hạn chế tái phát
Chàm thể tạng là một bệnh da dị ứng rất phổ biến có nguyên nhân nội sinh, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nam và nữ đều có khả năng mắc bệnh như nhau. Vì bệnh thường xảy ra ở một số người trong gia đình và có nhiều hồng ban – mụn nước nên dân gian thường gọi là chàm thể tạng là “ghẻ ruồi” hay “ghẻ dòng” và thường nghĩ là do muỗi cắn hoặc yếu gan, đau gan.
Chàm thể tạng thường diễn biến thành nhiều đợt và hay tái phát. Khởi đầu là xuất hiện một dát (vết) hồng ban hơi phù; rồi trên đó xuất hiện những mụn nước; mụn nước sẽ vỡ ra, rỉ dịch và đóng mày; sau khi mày tróc, da sẽ tróc vảy nhẹ và gây ngứa. Dát hồng ban có giới hạn quanh co, không rõ nét và ngứa dữ dội. Ở giai đoạn thành bệnh, da xuất hiện liên tục những đợt mụn nước, tạo thành những mảng hồng ban – mụn nước có kích thước rất thay đổi, từ vài centimet đến mảng to.
Có 4 dạng chàm thể tạng:
- Chàm thể tạng cấp (Eczéma aigu): Chàm thường xuất hiện đối xứng hai bên cơ thể trên mặt duỗi của tay chân, nhất là ở mu bàn tay và mu bàn chân. Trên da xuất hiện đột ngột những mảng hồng ban giới hạn mờ và ngứa dữ dội. Sau đó, xuất hiện những mụn nước nhỏ như đầu kim đứng riêng lẻ hoặc gom thành đám; đôi khi đọng thành bóng nước nhỏ gây ngứa. Nếu bệnh xảy ra ở mí mắt, bìu, âm hộ, da sẽ sưng phù do bản chất của bệnh và do cào gãi nhiều. Bệnh có thể diễn tiến khô ráo, mụn nước đóng mày và biến mất nhưng cũng có một số trường hợp mụn nước, bóng nước vỡ ra, liên tục rỉ dịch trong hoặc màu hơi vàng. Nếu lau khô lớp dịch sẽ thấy những lỗ khuyết nhỏ, gọi là “giếng chàm”; trường hợp này gọi là chàm rỉ dịch.
- Chàm thể tạng mạn tính (Eczéma chronique): Chàm khô, thương tổn là những mảng hồng ban ngứa, bề mặt thường có vết gãi, thượng bì liên tục vỡ và tróc ra những vảy mịn nhỏ; có khi tróc ra rất nhiều vảy dày, kích thước lớn.
- Chàm thể tạng liken hoá (Eczéma lichénifié): Chàm đã diễn tiến lâu ngày, ngứa liên tục, da bị cào gãi dữ dội nên bị liken hóa, nghĩa là dày và bề mặt có nhiều nếp ngang dọc. Thương tổn là những mảng có giới hạn khá rõ, màu hồng, đỏ đậm hay hơi tím, thường có đám mụn nước.
- Chàm nhiễm trùng (Eczéma infécte): Còn gọi là chàm chốc hóa (Eczéma impétiginisé): thương tổn chàm bị nhiễm trùng, rỉ dịch đục, rồi có mủ; bề mặt thương tổn đóng mày dày, vàng như mật ong. Có thể đau hạch vùng liên hệ kèm theo nóng sốt.
Chàm thể tạng có thể diễn tiến thành từng đợt, khi lành để lại sẹo xấu. Bệnh thường tái phát; riêng với trẻ nhỏ, sau 12 tháng bệnh có thể tự khỏi hẳn.
Điều trị bệnh chàm thể tạng:
Dùng thuốc tùy theo dạng bệnh và giai đoạn bệnh. Có thể dùng các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng histamin loại mới, ít gây ngủ để kiểm soát phản ứng dị ứng, bao gồm Cétirizine (Cetrine – Zyrtec); Loratadine (Clarityne); Acrivastine (Semprex). Nếu không thể kiểm soát cơn ngứa, bác sĩ có thể cho dùng thêm Dexchlorphéniramin (Polaramine); Hydroxyzine (Atarax); Chlorphéniramin vào buổi tối vì các thuốc này có khả năng gây ngủ.
- Trường hợp chàm nhiễm trùng: Bệnh nhân phải dùng thêm kháng sinh phổ rộng như Tétracyline, Erythromycien, Doxycyline, Roxithromycien (Rulid) hay sulfamid như Bactrim, Cotrim.
- Bệnh nhân còn được dùng thêm các thuốc như: thuốc trợ gan mật (Chophytol, B.A.R, Sulfarlem), thuốc giảm dị ứng ở gan (Hyposulfène) sinh tố PP.
- Với chàm thể tạng cấp tính hay rỉ dịch, cần điều trị tại chỗ để giảm rỉ dịch, làm cho nơi thương tổn khô ráo bằng cách:
- Đắp bằng gạc sạch tẩm dung dịch thuốc tím pha với nước ấm, nồng độ 1/10.000 giúp chống viêm, làm cho bệnh nhân bớt ngứa và thấy dễ chịu hơn.
- Dùng hồ nước có tính hút nước để làm cho nơi thương tổn khô ráo, giảm rỉ dịch và bảo vệ thượng bì.
Để hạn chế tái phát:
- Kiêng các thức ăn gây ngứa như thịt bò, cá biển, trứng gà lộn, trứng vịt lộn, cua ghẹ…
- Không xát xà phòng vào vùng da bệnh để da không bị kích thích và không bị ngứa thêm.
- Khi mang giày dép, cần lưu ý để vùng da bệnh không bị cọ xát để da không ngứa và dày thêm.
BS Lý Hữu Đức (Bệnh viện Da liễu TP HCM)