Xơ nang tuyến vú có phải bệnh ung thư hay không?
Xơ nang tuyến vú có phải bệnh ung thư hay không?
Xơ nang tuyến vú – còn gọi là thay đổi sợi bọc tuyến vú – không phải là ung thư. Đó chỉ là hiện tượng thường gặp dưới ảnh hưởng của nội tiết tố nữ ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi. Kết qảu nhiều nghiên cứu cho biết trên 60% các cục u trong vú phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không phải là ung thư; trên 90% phụ nữ tuổi tiền mãn kinh có xơ nang tuyến vú và được xem là một biểu hiện của quá trình lão hoá. Tuy nhiên xơ nang tuyến vú thường bị nhầm với ung thư vì cũng xuất hiện những cục “bướu” và thường xảy ra ở độ tuổi phụ nữ dễ bị ung thư vú nhất. Nếu có sự phối hợp tốt giữa kinh nghiệm của bác sĩ và các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, nhũ ảnh, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết… thì tỷ lệ chẩn đoán nhầm sẽ rất thấp.
Nguyên nhân gây xơ nang tuyến vú
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone, mô tuyến vú giãn nở, giữ nước lại và căng lên, những vùng có mật độ chắc hơn bình thường sẽ cho cảm giác như “bướu”. Sau khi hành kinh, các cảm giác này giảm dần rồi trở lại bình thường. Qua các chu kỳ kinh nguyệt, sự kích thích lặp đi lặp lại làm cho mô vú trở nên chắc và hình thành các nang nhỏ chứa dịch trên các ống sữa bị tắc hoặc bị giãn; nhất là ở người mất sự quân bình giữa hai nội tiết tố nữ như phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh hoặc những người thường xuyên bị stress… Khi đó, tuyến vú có những vùng bất thường tạo thành những cục “bướu” hay những mảng chắc gồ lên dưới da hoặc những hạt rất nhỏ rải rác khắp 2 vú.
Xơ nang tuyến vú thường có ở cả 2 vú, nhất là 1/4 phía trên ngoài và phần dưới vú. ở phụ nữ tiền mãn kinh, các nang bị xơ có thể to lên và gây cảm giác khó chịu như bị căng tức, rất nhạy cảm khi sờ vào, có cảm giác nóng bỏng và đau lăn tăn, có khi đau nhiều đến nỗi hạn chế cử động và khó nằm sấp… nhưng sau khi mãn kinh, hiện tượng này thường giảm dần và mất đi. Trong một số trường hợp xơ nang tuyến vú phát triển thành nang to, tròn, chắc, di động, chứa dịch loãng trắng đục, tạo cảm giác căng căng khi ấn lên và có thể đau khi khám. Cảm giác đau và kích thích cục “bướu” thường tăng và giảm trước và sau khi hành kinh khoảng 1 tuần. Loại nang này thường biến mất sau vài lần hút dịch hoặc sau mãn kinh và không chuyển sang ung thư.
Phụ nữ cần làm gì để phòng bệnh và phát hiện cục “bướu” ở vú?
Mỗi thán phải tự khám vú, tốt nhất là một tuần sau khi có kinh; nếu đã mãn kinh thì chọn một ngày cố định trong tháng. Dùng đầu ngón tay kiểm tra toàn bộ vú 2 bên, từ trên xuống dưới và cả vùng hố nách. Qua những lần đầu tự khám, phụ nữ sẽ cảm nhận và “làm quen” với mật độ mềm hay chắc hay lổn nhổn ở vú và khi có bất kỳ một sự thay đổi nào trong vú sẽ được nhận ra ngay.
Khi phát hiện có “chuyện lạ” trong vú thì cần đến bác sĩ khám và theo dõi ngay. Phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi nên đi khám vú 3 năm / lần và từ 40 tuổi trở đi nên siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
Điều trị xơ nang tuyến vú
Tùy trường hợp cụ thể, việc điều trị có thể là:
- Theo dõi và làm giảm cảm giác đau và khó chịu tại chỗ: Uống thuốc giảm đau và vitamin E; tránh dúng thức ăn thức uống có cafein như cà phê, trà đặc, sôcôla hoặc nước uống có ga; chườm nóng tại chỗ, dùng nịt ngực cho thích hợp. Cần lưu ý: một số thuốc thoa có chứa progesterone hoặc thuốc uống có nội tiết tố nữ thường không có hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc có thể gây buồn nôn, rối loạn kinh nguyệt, tăng cân hoặc nổi mụn.
- Nếu chỉ có một cục u hoặc các xét nghiệm không cho chẩn đoán rõ rệt, bác sĩ cho mổ sinh thiết hoặc làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.
- Nếu bướu là nang chứa dịch, bác sĩ sẽ rút hết dịch ra và làm xét nghiệm tế bào học để xác định rõ hơn tính chất bệnh.
- Theo dõi định kỳ 6 tháng đến 1 năm / lần vì có khoảng 1% – 5% trường hợp xơ nang tuyến vú trở thành ung thư.
TS Nguyễn Sào Trung (Đại học Y dược TP HCM)