Bệnh Thường Gặp

Sỏi thận (sạn thận) là nguyên nhân phổ biến gây suy thận

Sỏi thận (còn gọi là sạn thận) là một dạng của sỏi đường niệu, có thể gặp ở bất kỳ cơ quan nào trong hệ niệu. Sỏi đường tiết niệu là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận.

Bệnh sỏi thận có thẻ gây suy thận

Nguyên nhân gây sỏi thận:

  • Rối loạn chuyển hóa: U lành tuyến cận giáp làm tăng canxi trong máu và nước tiểu; nước tiểu chứa nhiều canxi nên dễ tích tụ lại và sinh ra sỏi. Nguyên tắc điều trị loại sỏi này là cắt bỏ u lành tuyến cận giáp.
  • Tắc nghẽn đường tiểu bẩm sinh hay mắc phải ở đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt; có bệnh tại bộ niệu hay chung quanh bộ niệu làm nghẽn đường tiểu, nước tiểu không chảy được và sinh ra sỏi. Nguyên tắc điều trị là loại bỏ nguyên nhân gây bế tắc đường tiểu.

Triệu chứng của bệnh

70% trường hợp sỏi thận một bên chỉ có triệu chứng đau lưng đơn thuần; vì thế cần hết sức lưu ý và nên đi khám bệnh ngay để phát hiện và điều trị sớm nhằm tránh các tác hại xấu và nặng do sỏi gây ra. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như: đái buốt, đái ra sỏi, đái ra máu, đái đục như mủ.

Sỏi thận nếu nhỏ, khu trú ở một đái thận rất ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị, sỏi niệu sẽ gây tổn thương cho thận, làm giãn nở hoặc gây hẹp đường tiểu do phản ứng xiêm xơ hóa và càng làm tăng hiện tượng tắc nghẽn đường tiểu. Tắc nghẽn đường tiểu lại càng ảnh hưởng xấu đến chức năng thận, dễ gây nhiễm trùng và viêm đường tiểu, lâu dần đường tiểu bị xơ hóa và tắc nghẽn càng nặng, gây vô niệu hoặc làm giảm chức năng thận trầm trọng.

Điều trị sỏi thận:

Nếu sỏi nhỏ, không có gai sẽ có cơ may được dòng nước tiểu tống thoát ra ngoài, không cần uống thuốc, chỉ cần uống nhiều nước. Sỏi nhỏ còn có thể thoát ra ngoài bằng cách uống thuốc lợi tiểu, thuốc làm giãn đường tiểu hoặc thuốc làm tan sỏi (với sỏi urat ta dùng thuốc làm kiềm hóa nước tiểu, với sỏi phosphat ta dùng thuốc làm acid hóa nước tiểu). Sỏi còn có thể được lấy ra bằng các thủ thuật như nong đường tiểu, lôi sỏi qua nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi qua da… Nếu các phương pháp trên thất bại thì phải mổ (hay còn gọi là mổ hở).

Bệnh nhân cần đến thầy thuốc chuyên khoa khám và chữa bệnh để được theo dõi và đánh giá định kỳ về chức năng thận và tình trạng nước tiểu về phương diện vật lý – mô học, vi khuẩn học…

Chế độ ăn người bị sỏi thận:

Tất cả bệnh nhân sỏi thận đều cần phải uống nhiều nước; nếu có thể, mỗi ngày nên uống hơn 1,5 lít nước.

Bệnh nhân có sỏi urat cần theo nguyên tắc:

  • Dùng các thức ăn làm kiềm hòa nước tiểu, giúp loại bỏ acid urique dưới dạng những urat kiềm dễ hòa tan. Đó là những thức ăn thực vật (trái cây và rau), sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể ăn không hạn chế mì, nui, bánh mì, đường và mật ong; cần hạn chế những thức ăn giàu acid uricque như cá mòi, cá hồi, gan, cật, óc, thịt heo, thịt nai, gà, vịt, chim bồ câu, bông cải, nấm và măng tây. Cần theo dõi thường xuyên độ pH của nước tiểu và giữ cho độ pH nước tiểu luôn lớn hơn hoặc bằng 7,5.

Đối với bệnh nhân có sỏi calci:

  • Nếu lượng calci thải ra trong nước tiểu ở mức bình thường thì dùng các thức ăn làm toan hoá (acid hóa) nước tiểu. Các thức ăn này chủ yếu có nguồn gốc từ động vật như: cá, thịt bò, thịt gia cầm, phomát và ngũ cốc. Lưu ý rằng thức ăn làm toan hóa nước tiểu không phải là thức ăn có vị chua; chẳng hạn như chanh tuy chua nhưng lại kiềm hoá nước tiểu.
  • Nếu lượng calci thải trong nước tiểu cao quá mức, trên 300mg, bệnh nhân cần giảm bớt lượng calci trong thực phẩm, hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa.

BS Nguyễn Ngọc Tiến (BV Bình Dân TP HCM)

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button