Rối loạn nhịp tim sẽ gây ra những hậu quả gì?
Để trái tim hoạt động như một máy bơm máu, cần phải có các luồng xung điện xuất phát từ nút xoang, lan theo các đường dẫn truyền gồm nút nhĩ thất, nhánh phải, nhánh trái để đến các cơ tim, kích thích gây co bóp. Nếu tim co bóp với tần số từ 60-100 lần/phút khá đều thì đó là nhịp xoang bình thường. Từ 120 lần/phút trở lên là nhịp nhanh xoang. Khi từ 59 lần/phút trở xuống thì nhịp chậm xoang. Khi nhịp xoang không đều gọi là rối loạn nhịp xoang. Rối loạn nhịp tim bao gồm tất cả loại nhịp tim nào không phải là nhịp xoang bình thường.
Đó là tình trạng:
- Bất thường trong việc tạo ra các xung điện do sự xuất hiện của nhiều ổ tạo nhịp khác (nằm phía trên tâm thất hay nằm tại tâm thất).
- Bất thường trong cách thức dẫn truyền các xung điện: Bị nghẽn (bloc) nhánh phải hay nghẽn nhánh trái, bloc tại nút nhĩ thất, có thêm đường dẫn truyền phụ… Nguyên nhân: Do sự hình thành các vòng vào lại (giống như là các vòng xoay ở nút giao thông) khiến xung điện luôn quay lại đường cũ để kích thích trở lại các vùng cơ tim trước đó. Các rối loạn nhịp tim thường gặp nhất là các nhịp ngoại tâm thu, các bloc nhánh, các cơn nhịp nhanh (rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, rung thất…) các cơn nhịp chậm (bloc nhĩ thất hoàn toàn, hội chứng suy nút xoang…)
Rối loạn nhịp tim có thể không phải do bệnh của tim mà là do các nguyên nhân khác gây ra. Người bệnh sẽ cảm thấy hồi hộp tức ngực, đau ngực hoặc choáng váng, muốn ngất xỉu, tụt huyết áp (khi ngoại tâm thu xuất hiện nhiều hàng loạt).
Bình thường, ta không hề chú ý đến trái tim ta đang đập ra sao. Cảm giác hồi hộp chỉ xuất hiện khi nhịp tim tăng lên hoặc nhịp tim không đều, khi nhát bóp ngoại tâm thu thất mạnh hơn bình thường, sau đó lại có khoảng nghỉ bù khiến ta thấy như tim ngưng đập thoáng qua.
Rối loạn nhịp tim xuất hiện từ lúc còn là bào thai cho đến tuổi già. Lứa tuổi nào cũng có loại loạn nhịp nặng, càng lớn tuổi rối loạn nhịp càng nhiều hơn, ảnh hưởng xấu hơn vì có nhiều bệnh tim hơn.
Rối loạn nhịp tim sẽ gây ra hậu quả gì?
Hầu như tất cả mọi người đều có một dạng rối loạn nhịp tim nào đó trong đời, trong đó đa số trường hợp xuất hiện trên trái tim bình thường. Đôi khi rối loạn nhịp tim có lợi cho cơ thể.
- Khi nút xoang suy yếu đến mức không làm việc được, nút nhĩ thất sẽ phát xung điện để thay thế nút xoang “lãnh đạo” trái tim.
- Khi lo sợ, sốt cao, làm việc nặng, nhịp nhanh xoang hơn 100 lần/phút, giúp tim cung cấp đủ nhu cầu cho cơ thể, nếu nhịp tim không tăng mới là bệnh lý.
Nhịp xoang không đều có thể gặp ở trẻ em bình thường do ảnh hưởng nhịp thở. Nhưng nếu nhịp xoang đều như nhịp đồng hồ: có thể nghi ngờ là bệnh thông liên nhĩ.
Tác hại của rối loạn nhịp tùy thuộc chủ yếu vào bệnh tim có sẵn nặng hay nhẹ, còn việc tần số tim nhanh hay chậm và tồn tại đã bao lâu chỉ có ảnh hưởng nhỏ. Khi nhịp tim chậm còn chừng 35 lần/phút, có thể gây ra cơn ngất xỉu gọi là cơn Adam Stocks. Cơn nhịp nhanh nguy hiểm bậc nhất là rung thất báo hiệu tim sẽ ngưng đập, hoặc vô tâm thu (tim không co bóp).
Xử lý khi bị rối loạn nhịp tim:
Người bệnh phải cung cấp đủ các thông tin cho thầy thuốc: có dùng chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá không; có dùng loại thuốc trị sổ mũi, thuốc nhuận trường hoặc lợi tiểu, rượu thuốc không; tình trạng loạn nhịp tim gây khó chịu đến mức độ nào, có gây đau ngực, chóng mặt, muốn ngất xỉu hay không; trong gia đình có ai bị bệnh tương tự?
Từ đó, bác sĩ sẽ xác định đây là loại rối loạn nhịp nào, có phải hậu quả của bệnh tim, trong tương lai có gây biến chứng nguy hiểm nào không.
Nguyên tắc cơ bản: Chỉ điều trị rối loạn nhịp tim cho những bệnh nhân riêng lẻ chứ không có bài thuốc cho riêng mỗi loại rối loạn nhịp.
Cần lưu ý: Trước đây, vài người tự ý sử dụng một loại thuốc chống loạn nhịp tim rất thông dụng là Amiodarone (Cordrone) mà không có ý kiến chuyên môn, hậu quả là bị biến chứng cường hoặc nhược năng tuyến bệnh giáp trạng, xơ hóa phổi.
Các thuốc điều trị loạn nhịp tim cực kỳ nguy hiểm ở chỗ khi trị rối loạn nhịp tim, nó cũng có khả năng gây ra những loạn nhịp tim khác còn nguy hiểm hơn nếu không dùng đúng và theo dõi sát.
BS Nguyễn Công Tâm