Điều trị chảy máu đường tiêu hóa (xuất huyết tiêu hóa)
Chảy máu đường tiêu hóa là một bệnh lý cấp cứu, là biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh. Biểu hiện của chảy máu đường tiêu hóa là bệnh nhân ói ra máu (máu đỏ tươi, máu bầm) và đi cầu phân có máu.
Nguyên nhân gây bệnh:
Nguyên nhân ở thực quản: Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản (thường gặp ở bệnh nhân xơ gan), thoát vị hoành; hội chứng Mallory Weiss: bệnh nhân sau khi ói mửa nhiều cuối cùng nôn ra máu, nội soi thấy rách niêm mạc phần trên dạ dày.
Nguyên nhân ở dạ dày, tá tràng: Viêm dạ dày; loét dạ dày; ung thư dạ dày; túi thừa tá tràng.
Nguyên nhân ở gan, mật, tuỵ: Xơ gan, sỏi mật; ung thư mật; viêm tuỵ cấp.
Nguyên nhân ở ruột: U đại tràng và ung thư đại tràng; viêm ruột xuất huyết; kiết lỵ, thương hàn; lao ruột; lồng ruột cấp tính; trĩ.
Nguyên nhân ở các cơ quan khác của cơ thể: Sốt xuất huyết, sốt rét; các bệnh lý về máu do stress; do một vài thứ thuốc gây nên như thuốc kháng viêm Aspirine…
Điều trị và phòng ngừa
Việc chăm sóc người bệnh chảy máu đường tiêu hóa cần khẩn trương, thận trọng. Cần đặt người bệnh nằm trên giường hoặc cáng, để đầu thấp và thật yên tĩnh. Nếu có điều kiện cần liên hệ với hệ thống cấp cứu y tế (115) để được truyền dịch nhằm cải thiện tình trạng mất máu đồng thời chống sốc bằng các loại thuốc nâng huyết áp, thở oxy (nếu có khó thở, hoặc có hiện tượng choáng) và khi tình trạng đã đỡ thì nên chuyển người bệnh đến cơ sở cấp cứu của bệnh viện gần nhất
Nên khám bệnh định kỳ, đặc biệt là người cao tuổi và mỗi lần đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết những bệnh về đường tiêu hóa mà mình đang gặp phải để tránh dùng các thuốc có tác dụng phụ gây chảy máu đường tiêu hóa. Cần kiêng rượu, bia, các chất kích thích (cà phê, thuốc lá, chua, cay).
BS Lê Thị Tuyết Phượng