Bệnh Thường Gặp

Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách phòng tránh

Biến chứng của bệnh tiểu đường thường rất đa dạng, nhiều bệnh nhân tiểu đường nhập viện trong tình trạng nguy hiểm: hôn mê tiểu đường, nhồi máu cơ tim, loét và hoại tử nặng chân, đôi lúc phải cắt bỏ chân để cứu sống bệnh nhân. Nguyên nhân gây ra tình trạng nặng nề như vậy một phần do bệnh nhân đã không có chế độ điều trị và chăm sóc bệnh một cách hợp lý.

biến chứng của bệnh tiểu đường

Một số biến chứng của bệnh tiểu đường:

Biến chứng cấp tính hôn mê: Biểu hiện lâm sàng là rối loạn tri giác rồi đi vào hôn mê, thường gặp ở các bệnh nhân:

  • Không tuân thủ điều trị, tự ngưng thuốc đột ngột, đặc biệt ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng insulin chính.
  • Có thêm một bệnh lý cấp tính khác như: viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhồi máu cơ tim, mang thai..
  • Dùng thuốc bừa bãi không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có ảnh hưởng bất lợi đến diễn biến của bệnh như các loại thuốc lợi tiểu, kháng viêm, corticoid…
  • Dùng thuốc điều trị tiểu đường quá liều, làm đường huyết giảm quá mức.

Biến chứng thần kinh: Là biến chứng thường gặp nhất trong bệnh tiểu đường. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường là: thời gian mắc bệnh dài, đường huyết không được kiểm soát tốt, lên xuống bất thường, xơ mỡ động mạch…

Cần lưu ý, các biểu hiện của biến chứng thần kinh thường khởi phát từ từ, nặng dần theo thời gian. Lúc khởi bệnh, do triệu chứng mơ hồ làm bệnh nhân không chú ý đến, khi đã nặng thì khó khăn trong vấn đề điều trị

Thường bệnh nhân hay có cảm giác tê tê châm chích ở bàn chân, đôi khi ở bàn tay, thỉnh thoảng có những cơn đau như xé thịt, như điện giật ở bàn chân, cẳng chân. Nếu nặng hơn, bệnh nhân bị mất cảm giác nhiều phần trong cơ thể. Kèm theo là nhiều rối loạn khác rất hay gặp:

Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, khó nuốt, hay có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu.

Rối loạn niệu dục: gây bất lực ở nam, tiểu khó, tiểu dầm, dễ bị nhiễm trùng tiểu. Giảm tiết mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân.

Yếu và teo cơ.

Liệt các dây thần kinh sọ não: gây sụp mi, lé mắt, méo miệng…

Biến chứng tim mạch: Đây là một trong những nguy cơ gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường, biểu hiện rất đa dạng:

Xơ cứng động mạch: Gây cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Viêm động mạch chi dưới: Gây đau chân, da chân lạnh có thể có màu tím đỏ, teo cơ và cuối cùng dẫn đến hoại tử chân, phải cưa chân.

Loét chân: Đặc biệt hay xảy ra ở bệnh nhân bị mất cảm giác, khi có vết thương nhỏ do kim đâm, đứt chân, giẫm phải thủy tinh mà không biết, dẫn đến loét chân.

Đáng lưu ý, biến chứng ở thận là một biến chứng thường gặp và gây tử vong nhiều nhất trong bệnh tiểu đường. Bệnh nhân sẽ bị phù, cao huyết áp, đi tiểu ra chất đạm (nước tiểu màu trắng đục có nhiều bọt), cuối cùng dẫn đến suy thận và tử vong. Thường dấu hiệu sớm nhất của biến chứng này là sự xuất hiện lượng nhỏ protein trong nước tiểu, gọi là tiểu đạm.

Biến chứng ở mắt: Là nguyên nhân chính gây ra mù lòa ở nhiều người bệnh, đặc biệt tại các nước phát triển. Biến chứng ở mắt được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: mù đột ngột, đục thủy tinh thể (nhân dân ta hay gọi là cườm khô), tăng nhãn áp, xuất huyết, xuất tiết trong mắt.

Biến chứng da xương khớp: Da hay sậm màu ở mặt trước cẳng chân. Đau nhức xương khớp, cứng khớp cũng có thể xảy ra.

Biến chứng nhiễm trùng: Bệnh nhân tiểu đường sức đề kháng cơ thể giảm, rất dễ bị nhiễm trùng, thường gặp các bệnh lao phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục.

Để hạn chế tối đa các biến chứng này, cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Phải nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Không được tự ý ngưng thuốc đột ngột.
  • Không được tự ý tăng liều thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Phải đến bác sĩ khám bệnh ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra.
  • Có chế độ kiểm soát đường huyết tốt, không để xảy ra tình trạng đường máu tăng hoặc giảm quá mức.
  • Phải được thăm khám định kỳ tình trạng: tim mạch, mắt, nước tiểu, da, xương, khớp.
  • Chăm sóc bàn chân mỗi ngày.
  • Có chế độ dinh dưỡng và rèn luyện cơ thể hợp lý.

Trước đây, người ta cho rằng đã mắc bệnh tiểu đường thì đương nhiên sẽ bị nặng lên vì các biến chứng của nó. Nhưng ngày nay, khoa học đã chứng minh nếu được phát hiện sớm, điều trị tích cực, kiểm soát đường huyết chặt chẽ thì sẽ giảm đáng kể hầu hết các biến chứng của bệnh tiểu đường.

BS Lê Thị Tuyết Phượng

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button