Hiện tượng tim đập nhanh – khó thở có phải bệnh hay không?
Khi chúng ta làm việc nặng, gắng sức, tập thể dục thể thao (chạy, nhảy, bơi lội, đua xe đạp, chơi cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, đá bóng…), tim đập nhanh trên 80 lần/phút, có thể đến 140 lần/phút ở người bình thường, nhịp thở cũng nhanh hơn, trên 20 lần/phút. Đó là hiện tượng sinh lý bình thường, vì khi đó, các cơ hoạt động mạnh, chuyển hóa cơ bản tăng, cơ thể cần được cung cấp một khối lượng lớn dưỡng khí cho việc sản xuất ra nhiệt lượng để bù trừ vào số calori đã tiêu hao. Chỉ cần nằm, ngồi nghỉ vài chục phút sau là tim mạch và phổi trở lại bình thường (đối với người có sức khỏe bình thường).
Khi bị xúc động, tim cũng đập nhanh, ngực đập phồng tưởng chừng như nghẹt thở; đó cũng là phản ứng sinh lý của cơ thể để ổn định lại sự kích thích mạnh hệ thống thần kinh giao cảm. Đôi khi bạn vui chơi trong những ngày lễ Tết, uống một ly rượu thơm hay rượu mạnh cũng thấy nhịp tim và nhịp thở trở nên nhanh. Chất men rượu kích thích các tuyến tiêu hóa hoạt động mạnh, ngấm nhanh vào máu, kích thích trung ương thần kinh, làm tăng chuyển hóa các chất, gây nên những hiện tượng trên. Nếu chỉ thế thì không có gì nguy hiểm; nhưng nếu uống rượu liên tục, trở thành nghiện rượu thì không những có hại cho tim mà còn hại gan, hệ thần kinh…
Nếu tim đập nhanh, khó thở vì những lý do kể trên thì không có gì lo ngại, đó là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Nhưng ngoài những nguyên nhân đó, nếu tim đập nhanh và khó thở xảy ra thường xuyên một cách vô cớ thì cần phải đi khám bệnh chuyên khoa tim phổi để xác định bệnh và điều trị đúng cách.
Khi ngồi xổm lâu, nếu đột nhiên đứng dậy, bạn bỗng thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt dữ dội, trước mắt tối đen, sau vài phút mới trở lại tình trạng bình thường, nhiều người cho đó là hiện tượng thiếu máu, thể chất suy nhược, nên nóng ruột lo lắng, vội đi xét nghiệm tìm thuốc chữa bệnh.
Hiện tượng này hầu như ai cũng có, không phải bệnh mà là một hiện tượng sinh lý. Lúc ngồi xổm, hai chân và bụng dưới bị nén, máu trong mạch máu khó lưu thông. Khi bạn bỗng nhiên đứng lên, mạch máu bị đè ở hai chân và bụng dưới lập tức phản ứng nở ra, một lượng máu lớn chảy xuống nửa người dưới, não xuất hiện tình trạng thiếu máu. Do não thiếu máu nên có cảm giác chóng mặt, mắt thiếu máu nên tối sầm lại, chẳng thấy gì. Để giải quyết hiện tượng thiếu máu này, não ra mệnh lệnh, dùng biện pháp khẩn cấp làm cho mạch máu bụng co lại, não và mắt lại có đủ máu. Do đó trong vài giây, bạn không còn chóng mặt, hoa mắt nữa.
Với người rèn luyện cơ thể tốt, hiện tượng này có thể nhẹ đi. Nói chung, khi ngồi xổm lâu quá, nên đứng dậy từ từ để não không bị thiếu máu đột ngột.
BS Phạm Văn Đảm