Bệnh đục thủy tinh thể (cườm mắt) ở người lớn tuổi
Bệnh đục thủy tinh thể được dân gian gọi là cườm khô, khác với bệnh tăng nhãn áp được gọi là cườm nước. Mắt của con người cũng giống như một máy hình. Máy hình gồm hai bộ phận chính là ống kính và phim, còn có mắt ống kính là thủy tinh thể, phim là võng mạc. Ở máy hình, khi ống kính bị mốc hay vỡ thì ảnh mờ, còn ở mắt khi thủy tinh thể bị đục hay vỡ (do chấn thương) thì người ta nhìn mờ.
Bệnh đục thủy tinh thể đa số là do tuổi già (90%) vì chuyển hóa trong cơ thể suy yếu. Còn các nguyên nhân khác là bị bệnh trong cơ thể như tiểu đường, viêm nhiễm ở mắt, bị cườm nước, bị chấn thương hoặc các bệnh bẩm sinh gây cườm ở trẻ nhỏ. Một số yếu tố khác cũng là nguyên nhân gây bệnh như thiếu dinh dưỡng, do ảnh hưởng của các tia sáng (như tia cực tím…).
Người bệnh thấy mắt bị mờ dần, không đau, không nhức, không đỏ, đi thử kính không thấy kính nào nhìn rõ hơn. Đến lúc mờ nhiều (không còn đọc được các chữ lớn trong sách báo), nhìn vào trong mắt thấy đồng tử đổi màu, có thể màu trắng hoặc đen nâu. Đi khám bệnh, bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện ngay từ khi mới bắt đầu bị cườm.
Không có thuốc nào nhỏ vào mắt làm tan cườm như lời đồn đại. Khi đã bị cườm, nhất là lúc cườm đã chín thì cách chữa duy nhất là mổ để lấy cườm rồi đặt thủy tinh thể nhân tạo hoặc cho đeo kính.
Khi nào nên mổ mắt?
Tùy theo từng người. Đối với người làm việc bằng mắt nhiều như đọc sách, lái xe…, khi không nhìn được chữ rõ nữa thì nên đi mổ sớm. Còn đối với những người không phải làm việc bằng mắt nhiều thì có thể để muộn hơn. Tuy nhiên, không bao giờ để cườm quá chín tức mắt quá mờ (không thấy được bóng bàn tay trước mắt). Cườm quá chín sẽ gây biến chứng như cườm nước cấp tính gây đau nhức, nhức đầu dữ dội, có thể làm tổn thương thần kinh thị giác. Lúc đó, phải đi mổ gấp mà sau mổ chưa chắc đã nhìn thấy được. Ở nước ta có rất nhiều người bị cườm không chịu đi mổ vì sợ, khi đã có biến chứng thành cườm nước, đau nhức quá, đã mù mới chịu mổ, lúc đó có mổ cũng không cứu vãn nổi, chỉ giải quyết cho khỏi đau nhức mà thôi.
Sau khi mổ cườm, muốn nhìn rõ, phải đeo kính hoặc đặt thủy tinh thể nhân tạo. Có 3 loại kính:
- Kính gọng: Loại kính có độ hội tụ cao khoảng + 10 đến + 12 đi ốp.
- Kính tiếp xúc (kính sát tròng).
- Thủy tinh thể nhân tạo: Là một thấu kính chỉ nhỏ bằng hạt bắp, rất nhỏ, được đặt ngay vào trong mắt lúc mổ.
Dùng kính nào tốt nhất?
Tùy trường hợp và điều kiện tài chính của bệnh nhân. Tốt nhất là đặt thủy tinh thể nhân tạo vì nó cho hình ảnh trung thực nhất. Hiện nay, ở nước ta, việc đặt thủy tinh thể nhân tạo đã rất thông dụng. Mới đây đã có thể mổ bằng phương pháp Phaco, không cần phải khâu, phục hồi nhanh. Thường thì thủy tinh thể nhân tạo không gây phản ứng gì cho người bệnh.
Nếu không có điều kiện, sau khi mổ có thể đeo kính gọng, nhưng có phiền toái là hình ảnh lớn hơn bình thường. Lúc đầu, bệnh nhân nhìn không quen sẽ rất khó chịu, nhận định khoảng cách không đúng, nhất là xuống cầu thang dễ bị ngã, đôi khi chóng mặt. Ai cũng phải tập luyện đeo kính một thời gian rồi dần dần mới quen, có người phải mất 6 tháng, có người tập hoài mà vẫn không quen được.
Kính áp tròng ít ảnh hưởng hơn kính gọng, vì vậy thoải mái hơn, nhưng chỉ dùng cho người trẻ vì cần khéo léo, tay không run và mắt kia còn nhìn được tốt. Còn đối với người già bị cườm cả hai mắt thì rất khó sử dụng vì tay họ đã run, mắt mờ, thao tác không chính xác, dễ bị rớt kính. Ngoài ra, kính áp tròng có thể gây dị ứng, không phải ai cũng thích hợp được.
Không phải mổ cườm bao giờ cũng tốt và làm cho mắt có thể thấy rõ ràng được ngay. Lúc mới mổ và sau khi mổ có thể có biến chứng như xuất huyết, viêm bồ đào, cườm nước thứ phát, bong võng mạc, viêm nhiễm… Nếu đặt thủy tinh thể nhân tạo thì một thời gian cũng dễ bị đục bao sau, làm mắt mờ trở lại, phải dùng laser để đốt. Ngoài ra, mắt sau khi đã mổ cườm và đeo kính nhìn được rõ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tình trạng võng mạc còn tốt hay đã bị bệnh. Nếu võng mạc đã bị bệnh thì mổ cườm chỉ giúp được phần nào thôi, cũng như máy hình đã thay ống kính còn tùy thuộc vào phim tốt hay xấu. Nếu phim đã hư hay hết “đát” thì dù có thay ống kính tốt mấy chăng nữa, hình ảnh cũng mờ thôi.
Đục thủy tinh thể và glaucoma.
Sau khi mổ đục thủy tinh thể, người cao tuổi có thể bị glaucoma. Nguyên nhân có thể do: mắt bị 2 bệnh cùng lúc; hay một bệnh bị trước, một bệnh bị sau; hoặc do mổ thủy tinh thể mà bị glaucoma. Trường hợp đã mổ glaucoma khoảng một năm, sau này người bệnh vẫn có thể bị đục thủy tinh thể (do tuổi già hoặc thứ phát sau mổ glauoma).
Khi mắt bị đục thủy tinh thể, ánh sáng đến mắt bị che nên nhìn không được rõ. Vì thế, khi muốn nhìn rõ, người bệnh thường dùng kính lúp để phóng đại hình ảnh; nếu dùng kính cận thì bệnh nhân không thể nhìn rõ hơn hoặc chỉ nhìn rõ được một thời gian.
Người bị đục thủy tinh thể có thể tạm dùng thuốc nhỏ mắt Catalin. Tuy nhiên, thuốc này (cũng giống như tất cả các thuốc trị cườm mắt khác) không thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh đục thủy tinh thể.
Lạm dụng thuốc nhỏ mắt gây đục thủy tinh thể.
Thủy tinh thể bị đục có thể do nguyên nhân bẩm sinh kết hợp với dị tật, do chấn thương, ảnh hưởng chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, thông thường nhất là do lão suy (từ 50 tuổi trở lên) và do ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid.
Một số người trẻ, nhất là phái đẹp, thấy những lọ thuốc mắt nho nhỏ lại rẻ tiền, tưởng nhầm là thuốc rửa mắt nên dùng thường xuyên mỗi ngày trong thời gian dài. Rồi đến một ngày thấy cảnh vật chung quanh mờ đi, khám thì phát hiện bị đục thủy tinh thể. Thuốc mọi người thường dùng tên là Dexamethasone có công thức chứa kháng sinh Chloramphenicol và chất corticoid. Đây là loại thuốc tốt để trị viêm kết mạc nhiễm trùng, viêm loét giác mạc, nhiễm trùng tuyến lệ… Nhưng đây cũng là loại thuốc không nên lạm dụng hoặc dùng sai chỉ định vì có thể gây suy tủy, hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh, làm tăng nhãn áp ở người mắc bệnh glaucoma, làm tổn hại thần kinh thị giác, làm trầm trọng các bệnh nhiễm virus, vi nấm và nhất là gây đục thủy tinh thể.
Thuốc làm chậm quá trình đục thủy tinh thể.
- Thuốc nhỏ mắt: Dionin 1% với hoạt chất là Ethyl Morphin, những thuốc gia tăng biến dưỡng chống lão hoá mắt chứa các axit amin hay vitamin như ATP, B6, Acid Aspartic, L.Arginin, Acid L.Glutamic… (Catacol P.O.S, Catarstat), tác dụng sự chuyển hoá trên sự xơ cứng thủy tinh thể chứa các muối calci, iod, glycin (Cristopal)…
- Thuốc uống chứa các axit amin bổ dưỡng mắt hoặc vitamin để làm chậm quá trình **c tinh thể như Phakan uống, cả ống uống lẫn viên nang trong cùng lúc.
- Nội tiết được dùng làm chậm đục thủy tinh thể: Kết hợp tinh chất tuyến cận giáp, buồng trứng, tinh hoàn, Folliculine, mỗi ngày uống một ống hoặc theo chỉ định của bác sĩ.