Bệnh dịch tả – Tiêu chảy cấp thường gặp ở người
Bệnh dịch tả là loại bệnh gây tiêu chảy do ruột non bị nhiễm một loại vi khuẩn đặc biệt (vi khuẩn tả ). Vi khuẩn tả có khả năng lây lan gây ra dịch nếu ta không có biện pháp phòng ngừa tốt.
Vi khuẩn tả chỉ gây bệnh ở bề mặt ruột non, không hủy hoại thành ruột non, không vào máu, do đó bệnh nhân thường chỉ bị tiêu chảy, không đau bụng, không sốt. Phân tiêu chảy có mùi tanh khó chịu. Đa số bệnh nhân tiêu chảy vài lần rồi khỏi. Những bệnh nhân nặng tiêu chảy ồ ạt, xối xả thường xuyên tiêu chảy hoặc rỉ rả liên tục, vẫn không đau bụng, không sốt. Sau khi tiêu chảy nhiều lần, bệnh nhân nôn, có thể dữ dội. Khi bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn sẽ dẫn đến tình trạng mắt trũng, tay chân lạnh, đầu ngón tay móp, vọp bẻ (chuột rút), thều thào nói không thành tiếng. Tình trạng này có thể xảy ra sau vài ba giờ tiêu chảy, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ chết do tình trạng mất nước, nhất là trẻ em và người già.
Môi trường nước kém vệ sinh là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tả phát sinh, phát triển. Ngoài ra ruồi có thể tiếp xúc với phân, chất nôn ói của bệnh nhân đưa vào miệng cũng là một nguyên nhân gây bệnh dịch tả.
Cách phòng bệnh dịch tả hữu hiệu nhất hiện nay là:
- Phải chú ý vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tốt: rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn thức ăn chín, nên hâm nóng trước khi ăn.
- Thức ăn sống như rau sống, trái cây phải được rửa sạch.
- Xử lý phân, rác sạch không để lan tràn ra ngoài.
- Diệt và tránh ruồi bu vào thức ăn, thức uống.
Điều trị:
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh dịch tả bị tử vong là do tình trạng mất nước nặng. Chính vì vậy, trước khi đưa bệnh nhân đến nơi điều trị, phải tạm thời cho uống nhiều nước, tốt nhất là nước Oresol, 1 gói pha với một lít nước chín, hoặc các loại nước pha chế sau đây:
- Nước muối đường: Một lít nước chín, một muỗng cà phê loại 5 ml (5 g) muối bột, 8 muỗng cà phê loại 5 ml (40 g) đường cát.
- Nước cháo muối: Một lít nước chín, một nắm (50 g) gạo (để nguyên xác gạo hoặc đánh nhuyễn ra uống không bỏ xác), muối bột hai nhúm (mỗi nhúm gọn giữa ba ngón tay cái, trỏ và giữa 3,5 g). Không để thừa hoặc thiếu muối.
Nguyên tắc cho bệnh nhân uống Oresol hoặc các loại nước pha chế:
- Cho bệnh nhân uống sớm nhất, tốt nhất là ngay sau lần tiêu chảy đầu tiên.
- Cho bệnh nhân uống không để khát nước.
- Bệnh nhân còn tiêu chảy còn cho uống.
- Nếu bệnh nhân nôn, cho uống thường xuyên mỗi lần một ít. Nếu bệnh nhân được cho uống đầy đủ như thế, hầu hết sẽ khỏi bệnh.
Hãy bỏ quan niệm sai lầm bệnh nhân tiêu chảy là do nước uống vào, nên không cho bệnh nhân uống. Nước tiêu chảy là nước từ cơ thể bệnh nhân tiết ra, uống nước để bù lại số lượng nước mất, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. Nên chú ý, nước cho bệnh nhân uống là nước Oresol hoặc nước pha chế theo thành phần trên mới có đủ chất cho nước hấp thụ vào cơ thể.
Những bệnh nhân bị tiêu chảy, dịch tả cần được ăn, bú (đối với trẻ ) đầy đủ hơn người bình thường, bệnh nhân được dinh dưỡng tốt sẽ mau lành bệnh. Trong lúc đang bị tiêu chảy nặng, bệnh nhân có thể ăn, bú ít do yếu sức, cần được cho ăn, bú nhiều lần, thức ăn lúc đầu có thể là cháo thịt dần dà trở lại thức ăn bình thường càng sớm càng tốt, nếu có điều kiện cho thức ăn có chất dinh dưỡng cao ít nhất trong một tuần sau khi hết tiêu chảy.
BS Nguyễn Thế Dũng
(Trung tâm Bệnh Nhiệt đới TP HCM)