Bệnh Thường Gặp

Bệnh cường giáp kéo dài có thể dẫn đến suy tim

Một bệnh nhân bị kiệt sức. Theo người bệnh khai thì ông bị kém ăn trong thời gian dài dẫn đến không ăn được (trong vòng hơn một tháng sút 8 kg). Những ngày bệnh nặng, tim ông đập nhanh (trên 105 nhịp/phút), vã mồ hôi và run tay. Ông đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng chưa phát hiện ra bệnh gì. Sau khi thăm khám làm xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện ông bị bệnh cường giáp.

bệnh cường giáp gây suy tim

Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở phần trước cổ, phía dưới cằm. Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến việc tăng sản xuất hoóc môn. Việc hoóc môn giáp trong máu nhiều hơn bình thường đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của cơ thể, kể cả tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn). Khoảng 0,5% dân số mắc bệnh này, nhưng hay gặp ở phụ nữ từ 20 đến 50 tuổi. Rất ít khi có bệnh ở trẻ dưới 10 tuổi. Tình trạng cường giáp kéo dài sẽ dẫn đến suy tim, yếu cơ, giảm cân, giảm khả năng làm việc (suy nhược thần kinh, mất tập trung), rối loạn hoạt động tình dục (giảm khả năng thụ tinh và kinh ít ở nữ, giảm tinh trùng và bất lực ở nam). Nếu bị lồi mắt, mắt sẽ không nhắm được, đỏ, viêm kết mạc, có thể mù.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp.

Tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến việc tăng sản xuất hoóc môn có thể do những yếu tố kích thích ở bên ngoài tuyến giáp. Cũng có khi một phần mô chủ tuyến giáp bị tăng sinh và trở nên hoạt động quá mức.

Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn:

  • Do iốt: Dùng thuốc chứa iốt như Amiodarone, chất cản quang.
  • Do uống quá mức thuốc điều trị có chứa hoóc môn tuyến giáp.

Những triệu chứng thường gặp:

  • Dễ xúc động, lúc nào cũng cảm thấy nóng nực và ẩm, run tay, đổ mồ hôi, có khi lo lắng, bồn chồn, mệt, tim đập mạnh, nhanh, không đều.
  • Bệnh nhân gầy nhanh dù ăn nhiều. Phụ nữ hay người lớn tuổi có thể tăng cân.
  • Tính khí gắt gỏng, bất thường.
  • Có khi tiêu chảy 5-10 lần mỗi ngày.
  • Đôi khi mắt lồi hay có bướu cổ.

Tùy từng thể bệnh, các nhóm triệu chứng thường gặp rất khác nhau. Ở người lớn tuổi, bệnh rất khó nhận biết vì các triệu chứng không điển hình.

Làm cách nào để ngăn ngừa bệnh cường giáp?

Không có biện pháp nào đặc biệt. Khi đã biết mình bị bệnh cường giáp, cần tuân theo lời dặn của bác sĩ, kể cả việc ăn muối có iốt.

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên, có khi bệnh tái phát. Khi nhận biết bệnh quá chậm, thường có nhiều biến chứng xảy ra. Bác sĩ có thể cho thuốc làm giảm triệu chứng hồi hộp, run tay và lo lắng. Để điều trị nguyên nhân, thường dùng các thuốc đặc hiệu hay iốt phóng xạ, cần có sự theo dõi sát của bác sĩ. Phẫu thuật chỉ dành cho người không muốn điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc dùng thuốc uống không kiểm soát được bệnh. Tốt nhất là nên đến khám tại một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tin cậy để xem mình có đúng bị cường giáp hay không (có thể cần phải làm thêm một số xét nghiệm khác) và sau đó được hướng dẫn điều trị chính xác.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button