Viêm nướu do cao răng (vôi răng): Một số lưu ý khi phòng bệnh
Viêm nướu do vôi răng (cao răng) là một bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ thiếu nhi cho đến người già do vệ sinh răng miệng không đúng cách (không đúng kỹ thuật, không đúng lúc…).
Thức ăn đóng quanh cổ răng không được chải sạch sẽ kết hợp với muối vô cơ và vi trùng trong miệng tạo thành vôi răng. Sự kết hợp này tạo cho vôi răng có mùi hôi riêng. Vôi răng thường đóng nhiều ở mặt trong răng phía trước hàm dưới và mặt ngoài răng hàm lớn hàm trên vì là nơi có lỗ tiết của tuyến nước bọt. Tùy theo mức độ đóng vôi, vôi răng có thể là dạng mủn dễ lấy nhưng cũng có khi đóng thành mảnh cứng, phải dùng dụng cụ chuyên ngành mới lấy sạch. Nếu vôi răng quá dày hoặc chịu tác dụng của lực nhai mạnh, nó có thể tự bong ra. Khi ấy, người ta thường tưởng nhầm là răng bị vỡ. Vôi răng càng nhiều thì nướu viêm càng nặng, có khi sưng đỏ mọng, dễ chảy máu, đôi lúc có mủ làm cho miệng rất hôi.
Trên thực tế khám bệnh, chúng có 95% trường hợp viêm nướu và viêm quanh răng là do vôi răng, chỉ 5% là do nguyên nhân khác. Như vậy, phòng ngừa vôi răng là điều quan trọng hàng đầu đối với bệnh ở vùng nướu.
Những lưu ý khi phòng ngừa viêm nướu do cao răng:
- Phải chải răng đúng phương pháp và đúng lúc; nhất là trước khi đi ngủ, răng phải được chải sạch và nên súc miệng bằng nước muối pha loãng như nêm canh.
- Định kỳ 6 tháng một lần nên đến phòng nha khám răng và lấy vôi răng. Với người dễ đóng vôi răng, định ký tái khám có thể rút ngắn lại 3-4 tháng 1 lần.
- Mỗi khi súc miệng nên dùng ngón tay xoa nắn nướu.
- Ăn vừa phải những thức ăn có sinh tố C.
- Ngoài ra, nên tránh các điều sau: Hút thuốc lá (làm tăng vôi răng), thở bằng miệng (làm nướu khô và dễ viêm hơn), dùng tăm chọc vào nướu, chọc xuyên từ trước ra sau răng,dùng tăm to và tăm không vệ sinh.
Chúng ta nên phòng ngừa vôi răng và điều trị viêm nướu ngay từ đầu, vì nếu chờ đến khi nướu viêm rõ rệt mới chữa trị thì đã muộn. Nếu để lâu, viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm quanh răng rất khó trị (thường xảy ra ở người trên 40 tuổi): mô quanh răng lỏng lẻo, nướu tụt, răng lung lay, người bệnh có cảm giác răng trồi lên rất khó chịu và mỗi khi trở trời hoặc cơ thể yếu thì răng đau, có mủ, thường phải nhổ bỏ.
BS Lâm Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM)