Điều trị bệnh nhiễm trùng huyết – Dễ hay khó
Nhiễm trùng huyết là một bệnh nhiễm trùng nặng, dễ đưa đến tình trạng sốc nhiễm trùng và tử vong. Nhiễm trùng huyết là trong dòng máu có vi khuẩn. Vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng từ ổ nhiễm trùng tại tim, mạch máu như viêm nội tâm mạc, viêm tĩnh mạch hoặc từ ổ nhiễm trùng ở ngoài mạch máu như nhiễm trùng đường tiêu hóa, rồi đi vào máu.
Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng huyết:
- Sốt cao 39-40 độ C, có hoặc không kèm theo lạnh run, riêng trẻ sơ sinh, thân nhiệt có thể hạ xuống 35,5 – 36 độ C.
- Rối loạn tri giác, hôn mê.
- Nhịp tim tăng nhanh. Nếu nhiễm trùng nặng, mạnh nhanh, nhẹ, hạ huyết áp, có thể trụy tim mạch.
- Thở nhanh; nếu nặng sẽ xuất hiện cơn ngưng thở, da tím tái.
- Có thể xuất hiện các nốt tử ban dưới dạng chấm hoặc đốm đỏ dưới da; trong trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu hoặc bầm máu do rối loạn đông máu, bệnh nhân có thể bị vàng da.
Các triệu chứng này có thể do vi khuẩn gây tổn thương trực tiếp lên một số cơ quan hay do các độc tố của vi khuẩn gây ra mà thường gặp là các trường hợp nhiễm trùng huyết do trực khuẩn gram.
Khi xét nghiệm công thức máu thì trong số lượng bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính, do khi bị nhiễm khuẩn cấp tính cơ thể tăng sản xuất bạch cầu để bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhiễm trùng huyết, gram (-) bạch cầu lại giảm.
Một số xét nghiệm không thể thiếu là cấy máu, nghĩa là lấy máu bệnh nhân cho vào môi trường nuôi dưỡng để phân lập tác nhân gây bệnh. Cấy máu sẽ giúp xác định đúng vi khuẩn gây bệnh và dựa vào độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng thể để lựa chọn kháng sinh thích hợp. Không ít trường hợp phải cấy máu liên tiếp nhiều lần mới phân lập được vi khuẩn, nhất là các trường hợp trước đó đã dùng kháng sinh. Ngoài ra, để tìm tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho chỉ định soi trực tiếp vi khuẩn, hoặc cấy dịch nơi ổ nhiễm trùng, cấy nước tiểu hoặc cấy phân trong trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hoá.
Điều trị nhiễm trùng huyết:
- Dùng kháng sinh tiêm đường tĩnh mạch. Nếu là trường hợp vi khuẩn đã kháng thuốc, thường phải dùng phối hợp thêm 1 – 2 loại kháng sinh. Chọn lựa kháng sinh trị liệu ban đầu lúc đầu chưa có kết quả cấy máu thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng.
- Dùng kháng sinh chống tụ cầu như Oxacillin, Vancomycin nếu có áp xe, viêm cơ…
- Dùng kháng sinh chống não mô cầu như Penicillin G,Cephalosporin thế hệ thứ 3 nếu có sốc kèm theo các nốt tử ban.
- Dùng kháng sinh chống vi khuẩn gram (-) như Cephalosporin thế hệ thứ 3 trong trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiêu chảy, tiêu đàm máu…
Khi có kết quả cấy máu và kháng sinh đó, bác sĩ sẽ tiếp tục dùng kháng sinh cũ hay thay kháng sinh mới tùy vào đáp ứng trên lâm sàng và độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh.
Nếu bệnh nhân bị truỵ mạch thì hồi sức chống sốc, rối loạn đông máu thì truyền máu, truyền các yếu tố chống đông máu…
BS Bạch Văn Cam (Bệnh viện Nhi đồng I)