Hành-Vị thuốc dân gian gần gũi với mọi gia đình
Hành còn gọi là hành hoa, đại thông, thông bạch, hoa sự thảo, tứ quý thông, có tên khoa học là Allium fistulosum, là một vị thuốc được dùng rất phổ biến trong dân gian.
Mô tả cây:
Hành là một loại cỏ sống lâu năm, có mùi đặc biệt, mỗi cây gồm 5-6 lá, hình trụ rỗng, dài 30-50cm, phía giữa phình lên, đầu thuôn nhọn. cụm hoa mọc trên một cán mang hình trụ rỗng, cụm hoa hình xim, có ngấn thành hình tán giả, trông giống hình cầu.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Hành được trồng ở khắp nơi trong nước ta, chủ yếu để làm gia vị, đồng thời dùng làm thuốc. ngoài ra hành còn được trồng ở nhiều nước châu Á và châu Âu. Mùa chủ yếu là vào tháng 10 và tháng 11 nhưng có thể có quanh năm. Hành dùng tươi hay khô đều được.
Công dụng và liều dùng:
Hành là một vị thuốc rất thông dụng trong nhân dân. Trong các tài liệu cổ, người ta cho rằng hành có vị cay, bình mà không độc có năng lực hòa chung, thông dương, hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa các bệnh đau răng, sốt rét, cảm nhức đầu. Ngoài ra tinh dầu hành còn có tác dụng tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng ngoài chữa những mụn nhọt mưng mủ, dùng nước hành nhỏ vào mũi chữa được ngạt mũi, khi bị cảm mạo nhức đầu có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào rồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng ăn thì chóng khỏi.
Chữa trẻ con cảm mạo:
Hành 60g, sinh khương 10g. 2 thứ giã nát, thêm vào một cốc nước thật sôi, dùng hơi xông vào miệng và mũi, ngày làm mấy lần, không cần cho uống.
Chữa mụn nhọt:
Hành tươi giã nát trộn với mật ong, đắp lên mụn, hễ ngòi ra thì dùng giấm mà rửa mụn.
Phụ nữ động thai:
Hành tươi 60g, thêm 1 bát nước, sắc kỹ, lọc bỏ bã cho uống.